NGÀY 19 THÁNG 6 NĂM 2020
Thực trạng nợ toàn cầu đang chạm ngưỡng cao nhất trong lịch sử với mức 255 nghìn tỷ đô la trong năm 2019 bao gồm các khoản nợ nhà nước, nợ cá nhân và nợ doanh nghiệp. Nhìn chung, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã đạt đỉnh 322%. Trong năm 2019, các thị trường mới nổi góp phần tăng mức nợ lên 3,4 nghìn tỷ đô la, tăng tỷ lệ nợ trên GDP từ 147% trong năm 2007 lên 220%. Ngân Hàng Thế Giới, IMF cũng như nhiều tổ chức nghiên cứu tài chính khác đã liên tục đưa ra cảnh báo về thực trạng bong bóng nợ đang diễn ra trên khắp các quốc gia và khu vực.
Những tín hiệu cảnh báo này sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Hạn mức cho vay cao, khả năng dễ dàng tiếp cận khoản vay, mức lãi suất đang ngày càng giảm, sự bùng nổ liên tục của các công nghệ tài chính, và khủng hoảng đại dịch COVID-19 vừa qua là những yếu tố khiến mức nợ tiêu dùng hiện tại đang tăng cao. Tăng trưởng GDP đang dần suy yếu, thực trạng mất việc làm, gián đoán thương mại toàn cầu, hạn chế về vốn, nợ xấu gia tăng ngoài tầm kiểm soát và tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao khiến các quốc gia và tổ chức ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức về doanh thu và lợi nhuận.
Nhằm duy trì ổn định tài chính và giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu khó đòi, các tổ chức tài chính buộc phải tìm ra giải pháp quản lý rủi ro hiệu quả nhất. Phương pháp truyền thống như sáp nhập ngân hàng, tái cấp vốn, nới lỏng tài chính và tiền tệ hoặc thành lập các ngân hàng ủy thác thu nợ xấu không thực sự mang lại hiệu quả trong vấn đề xử lý nợ. Vậy, bán nợ có phải là giải pháp hiệu quả nhất cho thực trạng bong bóng nợ đang ngày càng gia tăng?
Quy trình bán nợ
Bán nợ được hiểu là việc xóa các danh mục khoản vay hiện có của các ngân hàng, tổ chức cho vay cho bên mua. Khi một công ty mua nợ mua lại khoản vay từ tổ chức cho vay, công ty đó chấp nhận chuyển giao hợp đồng, cùng toàn bộ quyền lợi, trách nhiệm của bên cho vay theo điều khoản của hợp đồng tín dụng. Giao dịch mua nợ này có thể bao gồm các khoản vay đến hạn thanh toán cũng như các khoản nợ xấu và quá hạn. Các tổ chức cho vay có thể lựa chọn bán nợ vì một số nguyên nhân sau:
- Kế hoạch bán lại danh mục nợ nhằm tái cân bằng hệ thống tài chính, phòng ngừa tổn thất.
- Thu gọn bảng cân đối kế toán bằng cách bán toàn bộ danh mục nợ để giải phóng nguồn vốn.
- Cuối cùng, theo quy định, ngân hàng và các tổ chức cho vay phải tạo Quỹ Trích Lập Dự Phòng (LLP) cho các khoản nợ xấu. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảng cân đối kế toán tại các ngân hàng. Tuy nhiên, bằng việc bán danh mục nợ, nguồn vốn dự phòng này sẽ được giải phóng, tăng cường luân chuyển tiền mặt, đồng thời hạn chế rủi ro hiệu quả.
Bên mua nợ có thể là ngân hàng khác, các công ty giải quyết tài sản hoặc đơn vị thứ ba chuyên cung cấp dịch vụ xử lý tín dụng. Bên mua nợ chủ yếu mua lại các khoản nợ quá hạn phát sinh từ thẻ tín dụng, vay mua xe ô tô, vay tiêu dùng, vay thế chấp, vay tín chấp ngắn hạn.
Tại các nước phương Tây, hoạt động bán nợ được phát triển khá rộng rãi và thành công. Riêng với thị trường Châu Á, hình thức bán nợ thế chấp đã trở nên khá phổ biến, trong khi đó giao dịch mua bán nợ tín chấp còn đang trong giai đoạn sơ khai. Sự phát triển của hình thức mua nợ xuất phát từ mức độ tăng ngày càng cao đối với các khoản nợ cá nhân như nợ thẻ tín dụng, nợ tiêu dùng và thay đổi trong chiến lược quản lý thu đã và đang dần khuyến khích các ngân hàng lớn tiến hành giao dịch mua bán nợ. Theo kết quả nghiên cứu của FTC, 75% các khoản nợ được bán từ tổ chức cho vay tài chính là các khoản nợ thẻ tín dụng và 10% là khoản nợ có tài sản thế chấp. Nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra rằng năm trong sáu nhà phát hành thẻ tín dụng lớn tại Hoa Kỳ đã bán các khoản nợ thẻ quá hạn cho các bên thu mua nợ.
Cơ chế bán nợ
Hồ sơ nợ được bán phân loại theo ba danh mục chính sau đây: Nợ mới là các khoản nợ trong vòng 6 tháng được các tổ chức cho vay bán trước khi tiến hành các quy trình cần thiết để thu hồi sau khi khoanh nợ; Nợ tiêu chuẩn là khoản nợ trong vòng 12 tháng, trong đó các tổ chức cho vay đã thuê một đơn vị thứ ba để thu hồi nợ sau khi khoanh nợ; Nợ xấu nhóm 2 và 3 là các khoản nợ trong vòng 18 hoặc 30 tháng, trong đó bên cho vay đã thuê nhiều hơn một đơn vị thu hồi nợ thứ ba để thu hồi khoản vay sau khi khoanh nợ.
Với các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, các tổ chức cho vay thường cố gắng thu hồi Nợ Mới bằng đội ngũ nhân viên thu nợ nội bộ. Với các khoản nợ có số ngày quá hạn (DPD) từ 180-360, vẫn có thể được coi là Nợ Mới. Tuy nhiên, nếu quá số ngày trên các khoản nợ sẽ được coi là nợ xấu khó đòi, thường quá hạn từ 180-360-72 ngày và được giao cho các đại lý thu hồi nợ quản lý vài lần. Đây là giai đoạn nợ xấu gây ảnh hưởng đến cán cân tài chính rõ rệt nhất. Và cũng chính là giai đoạn các tổ chức cần cân nhắc vấn đề bán lại các danh mục nợ này cho một đối tác khác.
Cuối cùng, các tổ chức tín dụng không có chiến lược quản lý nợ xấu hiệu quả sẽ tích lũy các khoản nợ write-off với thời gian quá hạn từ 3 – 7 năm trở đi trong nhiều năm cho đến khi các phương thức thu nợ mới được áp dụng. Điều quan trọng là các tổ chức này phải xác định danh mục nợ nào nên được xóa nợ, kế hoạch tái đầu tư từ việc bán nợ và phân bổ lại các nguồn lực nội bộ một cách hiệu quả. Nếu chưa đủ kinh nghiệm định giá danh mục nợ, tổ chức cho vay chỉ nên bán các danh mục nợ nhỏ trước, quan sát mức độ hiệu quả và tìm hiểu cách thức tổ chức bán đấu giá hồ sơ nợ trước khi tiến hành bán các danh mục giá trị lớn.
Xu hướng hợp tác với các công ty thứ ba
Một số ngân hàng và công ty tài chính tại Bắc Mỹ và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều năm qua đã bắt đầu thuê lại dịch vụ quản lý tín dụng hoặc bán danh mục nợ cho một bên thứ ba. Điều này mang lại hiệu quả trong việc cải thiện tỷ lệ cân đối kế toán và cung cấp khả năng thanh khoản tối ưu. Việc thuê lại các dịch vụ này giúp làm giảm chi phí hoạt động, hạn chế thủ tục pháp lý, tiết kiệm nguồn nhân lực và ổn định hóa tình hình tài chính tại các tổ chức cho vay. Mặt khác, đại lý bên thứ ba có thể thu hồi tiền từ các khoản nợ xấu này bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến và đưa ra giải pháp linh động hơn trong lịch trình trả nợ của người vay. Mặc dù các công ty bên thứ ba cũng phải đối mặt với những thách thức về quy định, rào cản pháp lý, tuy nhiên vấn đề này có thể được giải quyết bằng phương pháp thực hiện cải tiến và chính sách quy trình mới dựa trên nền tảng đạo đức xã hội.
Khi bán các khoản vay cho các đại lý bên thứ ba, đối tác phải là những công ty/tổ chức có kinh nghiệm hoạt động, chính sách hợp lý và bảo vệ quyền lợi của người vay. Xét cho cùng, uy tín thương hiệu của các tổ chức tín dụng sẽ được đảm bảo hơn nếu khoản nợ được xử lý bởi một đơn vị thứ ba có độ tin cậy cao.
Kết luận
Cho dù là các ngân hàng đang gánh nợ xấu hay các tổ chức cho vay tín dụng có tỷ lệ nợ ổn định đều đòi hỏi tăng trưởng liên tục nguồn vốn và tính thanh khoản. Do đó, ngân hàng cần có chính sách quản lý tín dụng hợp lý, nguồn vốn và hệ thống tài chính đủ vững mạnh, cùng với đó là các quy định chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả hoạt động trong tương lai.