Tổng quan hoạt động quản lý tín dụng tại Việt Nam


8th Jun 2023, Góc nhìn về thị trường

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn đang đối mặt với một màu xám ảm đạm. Cụ thể, tình hình này được phản ánh trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trong nước với nhiều đơn vị niêm yết tỷ lệ nợ xấu trong Quý 1 năm 2023 khoảng 3% (theo VnEconomy). Trước đó, tổng dư nợ toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2022 ở mức trên 12 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ của 16 công ty tài chính do Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) cấp phép đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Mặc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2 năm nay lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2 ước tính chiếm 5%/tổng dư nợ.

Nhận định xu hướng

Chia sẻ về tình hình hiện nay, ông Przemek Januszaniec, Giám Đốc Điều Hành tập đoàn FLOW cho biết: “Theo tôi thời gian tới, nợ xấu sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân chính đến từ việc Thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng khi liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lãi suất tăng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ khách hàng. Đồng thời, các tổ chức tài chính giảm khẩu vị rủi ro và thắt chặt các quy trình phê duyệt. Chính hai yếu tố này đã góp phần làm danh mục nợ xấu tăng nhanh trên thị trường.”

Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực trên đã kéo theo hệ quả đáng quan ngại, đó là tình trạng “bùng” nợ dẫn đến nợ xấu của một số công ty tài chính lên tới 20%. Thậm chí trong năm 2022 có công ty tài chính thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do cho vay tiêu dùng bằng tiền mặt, tạo điều kiện cho người vay “xù” nợ. Nhiều công ty tài chính, fintech mạnh tay cho vay tiền mặt và gần như không kiểm soát được việc sử dụng vốn của khách hàng. Từ đó, không ít cá nhân đã trục lợi từ việc này để tìm cách không trả nợ hoặc tiêu xài lãng phí. Hệ quả là một số bên cho vay đã đáp trả bằng cách đòi nợ theo hướng “khủng bố”, phản cảm gây nhiều hệ lụy.

Để giải quyết vấn đề trên và hỗ trợ cá đơn vị thu hồi nợ đúng pháp luật, các hành vi thu nợ trái pháp luật cần bị cả xã hội lên án và phải có giải pháp để ngăn chặn. Tuy nhiên, cũng cần thiết phải có hành lang pháp lý dành cho hoạt động thu hồi nợ đúng pháp luật cũng như chế tài cho cả người đi vay không trả nợ.

Tại FLOW, chúng tôi triển khai các phương pháp quản lý tín dụng với chuẩn mực đạo đức cao, thông qua các kỹ thuật đàm phán chuyên nghiệp như kiểm tra chất lượng chuyển giọng nói thành văn bản, phát hiện cảm xúc và định tuyến cuộc gọi dựa trên kỹ năng. Hơn nữa, các hành vi mang tính đe dọa đều bị cấm, đồng thời không khoan nhượng đối với hành vi gây hấn và lạm dụng. Bằng cách này, FLOW Việt Nam gần như không có khiếu nại nào từ khoảng 52.000 khách hàng trong nửa đầu năm 2023.