Khách hàng vay tiền thường xuyên trễ hạn thanh toán? Liệu số tiền cần thanh toán có vượt quá khả năng chi trả của họ? Điều quan trọng là các tổ chức cho vay tài chính cần cung cấp kiến thức về quản lý và kiểm soát tín dụng cho khách hàng của mình. Theo logic về tâm lý thông thường, người đi vay có xu hướng trì hoãn việc trả tiền trừ khi được nhắc nhở nhiều lần. Ngoài ra, một số người không kiểm soát được khả năng chi tiêu và bị thâm hụt nguồn tiền dẫn đến mất khả năng chi trả nợ. Một số khác lại trì hoãn việc thanh toán nợ mà không có lý do cụ thể nào. Việc người vay trễ hạn thanh toán dẫn đến sự gia tăng các khoản nợ xấu và nợ quá hạn tại các ngân hàng và tổ chức tài chính. Một số biện pháp sau có thể cải thiện tình trạng thanh toán chậm các khoản vay:
- Duy trì mối quan hệ lành mạnh với người đi vay: Duy trì mối quan hệ lành mạnh với người đi vay là chìa khóa cho bất kỳ sự phát triển kinh doanh nào trong ngành tín dụng. Mặc dù tất cả doanh nghiệp kinh doanh tài chính đều hiểu rõ điều này, tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm. Đặc biệt, trong trường hợp các tổ chức cho vay có số lượng khách hàng quá lớn sẽ rất khó để kiểm soát mối quan hệ với từng khách hàng riêng lẻ. Trong những trường hợp như vậy, tổng đài chăm sóc khách hàng là kênh liên lạc mang lại hiệu quả hơn cả. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần giữ liên lạc thông suốt với người vay và khách hàng tiềm năng, ngoài việc nhắc nhở và trao đổi về khoản vay còn là kênh cập nhật các thông tin hữu ích về chương trình ưu đãi, khuyến mại dành cho khách hàng của doanh nghiệp.
- Thông báo cho khách hàng về các điều khoản và điều kiện thanh toán: Mặc dù trên hợp đồng cho vay đã có đầy đủ những thông tin cần thiết, có ràng buộc pháp lý, và chi tiết về các thỏa thuận, tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết người vay đều không đọc kỹ và nắm bắt cụ thể. Vì vậy, các tổ chức cần tận dụng kênh thông tin liên lạc để thông báo và cập nhật cho khách hàng về điều khoản trả nợ, ngày đến hạn, số tiền, lãi suất, phí. Ngoài ra, khách hàng cũng nên được thông báo về các khoản lãi phạt phải trả khi không thực hiện cam kết trả nợ đúng hạn.
- Hóa đơn tự động và lời nhắc: Các tổ chức cho vay tài chính nên gửi tin nhắn tới khách hàng và lời nhắc hàng tháng về ngày đến hạn và số tiền phải trả. Những hóa đơn này có thể được tạo tự động và gửi trực tiếp tới khách hàng theo chu kỳ hàng tháng.
- Theo dõi lịch sử thanh toán tín dụng: Điều quan trọng là người cho vay phải thường xuyên theo dõi lịch sử trả nợ của người đi vay. Dữ liệu từ văn phòng tín dụng, hồ sơ theo dõi trả nợ và lịch sử tín dụng có thể giúp người cho vay xác định những người đi vay có đang trong tình trạng khó khăn về tài chính không. Đối với những người vay hiện tại, đặc biệt là trong trường hợp vay dài hạn, nên áp dụng phân tích dữ liệu thời gian thực để nghiên cứu hồ sơ theo dõi trả nợ của khách hàng. Những phân tích này sẽ giúp các tổ chức nắm rõ thông tin của khách hàng hơn từ đó phân loại người đi vay và mức độ rủi ro tín dụng, đồng thời xây dựng các chiến lược tiếp cận hiệu quả hơn.
- Giao tiếp và hỗ trợ: Bất cứ khi nào người vay chậm trả nợ, người cho vay nên liên hệ ngay với họ về các vấn đề và lý do chậm thanh toán. Khi đã xác định được lý do, người đi vay cũng sẽ dễ dàng đưa ra các giải pháp hơn. Ví dụ, trong trường hợp hoạt động kinh doanh của khách hàng bị chậm lại và các vấn đề về dòng tiền hoặc thu nhập gặp vấn đề, bên cho vay có thể đưa ra các giải pháp tái cơ cấu như cơ chế EMI, giảm số tiền trả góp, thời hạn trả nợ kỳ hạn nhằm giúp khách hàng khắc phục những vấn đề trước mắt. Biện pháp này cũng giúp các nhà kinh doanh tín dụng xây dựng mối quan hệ lâu dài với các khách hàng tiềm năng.
- Thực hiện thanh toán liền mạch: Các khoản thanh toán và thu tiền phải được tự động hóa và liền mạch. Các phương thức và biện pháp như ghi nợ tự động, thanh toán kỹ thuật số, kênh ngân hàng điện tử, thẻ tín dụng hoặc hệ thống thanh toán trực tuyến giúp người vay thanh toán dễ dàng hơn. Mặc dù một số khách hàng được trang bị đầy đủ các phương pháp giao dịch trên nền tảng kỹ thuật số, nhiều người vẫn ưu tiên hình thức nộp tiền trực tiếp tại ngân hàng. Do đó, các tổ chức nên cung cấp nhiều tùy chọn thanh toán cho khách hàng. Việc mở ra các tùy chọn thanh toán mang lại cho người vay giải pháp thanh toán đúng hạn, tiện lợi và kịp thời hơn. Các kênh thanh toán kỹ thuật số có thể được miễn chi phí phát sinh giao dịch, cần hướng dẫn khách hàng cụ thể để họ đưa ra những lựa chọn hợp lý nhất.
- Cập nhật và thông báo về các khoản phạt: Có thể có nhiều lý do dẫn đến việc không trả nợ, tuy nhiên, kết quả cuối cùng vẫn là rủi ro mất lợi nhuận của các tổ chức cho vay tài chính. Do đó, cả hai bên đi vay và cho vay phải cam kết trực tiếp trên cơ sở hợp đồng thỏa thuận bằng văn bản nêu rõ các điều khoản, thời hạn, phí và các yếu tố cần thiết khác.
- Hiểu biết về tài chính: Ngay cả khi đã áp dụng tất cả các biện pháp trên, trong một số thời điểm nhất định, một số người vay vẫn giữ thái độ kiên quyết không trả nợ đúng hạn. Trong những trường hợp như vậy, bên cho vay cần thực hiện các biện pháp thu hồi tín dụng chuyên nghiệp: Điều tra thu nợ chuyên về việc thu hồi các khoản thanh toán chậm cũng như các khoản thanh toán quá hạn. Điều tra này sử dụng các bước phân tích chuyên nghiệp, tổng đài chăm sóc khách hàng nhằm thu nợ chậm trả hoặc khó đòi. Tuy nhiên, quy trình này đòi hỏi các tổ chức phải thực hiện hết sức chuyên nghiệp để tránh các rủi ro không đáng có. Việc lựa chọn đối tác thứ ba thực hiện hoạt động quản lý và thu hồi tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả quản lý nợ, đồng thời xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt người đi vay.
- Tăng trưởng tín dụng và đi vay có vai trò quan trọng đối với việc mở rộng thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Thị trường tài chính đang gặp nhiều thách thức lớn do thiếu cơ sở hạ tầng tài chính cơ bản như các văn phòng tín dụng, các quy tắc công bố thông tin thống nhất, thiếu hiểu biết về tài chính giữa những người đi vay hoặc chậm trễ các khoản thanh toán từ khách hàng.
Những hạn chế này về cơ bản có thể làm tăng đáng kể chi phí cho vay đối với các ngân hàng và tổ chức tài chính do các khoản thanh toán chậm trả. Tiếp cận, thấu hiểu và hướng dẫn cụ thể đối với người đi vay, quản lý thông tin dữ liệu hiệu quả, các chương trình đào tạo về quản lý tài chính cá nhân và một thị trường tín dụng được cơ cấu tổ chức tốt là điều tối quan trọng để hạn chế tình trạng khoản vay quá hạn, từ đó tạo tiền đề để phát triển nền kinh tế.